Lịch sử 12: Thương tình con trẻ thơ ngây

small_34851. Tỉ lệ học sinh lớp 12 chọn môn sử để thi trong cả nước chưa đến 12% [1], ở Hà Nội con số đó là dưới 10%[2]. . Đặc biệt có những hội đồng thi như ở trương THPT Trưng Vương (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) không có em nào chọn môn sử[3]. . Những con số không thể tin được.

Trong tỉ lệ, 12% học sinh thi môn sử ấy có bao nhiêu phần trăm học sinh khá giỏi, không ai đưa ra một con số thống kê. Chắc đó là những em mà khả năng học tập ở các môn đều yếu kém như nhau.

Năm 1919, Việt Nâm lược sử của Trần Trọng Kim[4] có lời tựa, mở đầu: “Sử không chỉ là để ghi chép những công việc đã qua mà thôi mà phải suy xét việc gốc ngọn, tìm tòi cái căn nguyên của những công việc của người ta đã làm để hiểu rõ những vận hội trị loạn của một nước… Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước đời đời soi vào đấy… Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng…”.

Gần 100 năm sau khi viết ra những lời tâm huyết đó, cụ Trần đọc những thống tin trên, chắc đau lòng lắm.

2. Hàng xóm tôi có cháu bé đang học lớp 12. Cháu ngoan ngoãn, nhút nhát và chăm chỉ học hành. Nhớ bữa đó tôi gọi cháu sang, nói cho cháu thông tin về cách chọn môn thi tốt nghiệp. Thật bất ngờ, cháu hét lên vì vui sướng, bật cười sằng sặc, chảy cả nước mắt. “Bác biết không, mấy hôm nay bọn cháu cầu nguyện, đừng thi tốt nghiệp môn Sử”.

Nhưng chuyên gia sử học khả kính, nếu các vị nhìn thấy nét mặt rạng rỡ của cháu bé khi nói lời vĩnh biệt môn sử, các vị sẽ biết cách ứng xử hợp lí hơn chăng?

Tôi mượn cháu cuốn lịch sử lớp 12, cháu rộng rãi: “Con tặng bác đó, may có bác cần nếu không cháu gọi mấy bà ve chai”. Tôi bấm bụng chịu ơn sự hào hiệp của cháu bé, mang sách về đọc. Suốt cả buổi chiều đó, vừa đọc vừa xót xa.

Ôi, lũ đầu xanh tuổi trẻ, sao các con lại khốn khổ chừng ấy. Không phải như cháu nhà bên nhận tất cả lỗi về mình: “Con biết học sử rất hay. Nhưng bác ạ, cứ mở sách ra đọc chưa hết một trang là buồn ngủ. Học thuộc, sau một ngày thì lại quên sạch. Cháu thuộc dạng ngu lâu mà bác”.

Không phải vậy đâu cháu gái ạ. Cháu thông minh, hồn hậu như một thiên thần. Lỗi đó thuộc về chúng ta, những người lớn.

Các nhà chuyên môn trong các hội thảo đã thừa nhận về sự nặng nề, cách viết khô khan của sách giáo khoa lịch sử. Thực sự thì tội của sách giáo khoa sử nặng hơn nhiều lần.

3. Sách lịch sử được viết theo phong cách của các nhà tuyên huấn. “Âm hưởng tuyên huấn” vang vọng bỗng trầm suốt cả cuốn giáo khoa dày 223 trang. Đặc điểm đó thể hiện hùng hồn trong các khía cạnh sau.

+Có quá nhiều những trích dẫn được lấy nguyên văn từ các Nghị quyết, các Văn kiện đại hội Đảng. Các nhà viết sách quên rằng: học sinh lớp 12 không phải là những cán bộ của Đảng hay các nhà nghiên cứu trong viện hàn lâm.

+Cũng vì “áp lực của tính tuyên huấn” mà tên của tướng Giáp không hề được các nhà biên soạn nhắc đến khi viết về sự kiện thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cũng như chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

+Những quy luật là những ý kiến hoặc áp đặt hoặc sáo rỗng hoặc mơ hồ hoặc tất cả.
Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách quan của lịch sử Việt Nam”. Câu này gồm hai mệnh đề. Mệnh đề đầu thừa vì đó là một chân lí của mọi quốc gia, mọi thời đại. Mệnh đề sau là sự áp đặt hết sức giáo điều.
Trong thời đại ngày nay, khi độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không tách rời nhau…”. Quy luật này sai. Hầu hết các quốc gia độc lập đều không theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Theo quan điểm của phép tư duy biện chứng, hoạt động nhận thức của con người “đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn” . SGK hoàn toàn vắng bóng giai đoạn đầu tiên của nhận thức: trực quan sinh động, làm sao đòi hỏi sự nhận thức ở người học?

+Những bài học sau mỗi giai đoạn lịch sử thường đưa ra những kết luận rất trừu tượng. Có 4 nguyên nhân tan rã của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu (Trang 17), nguyên nhân thứ ba là: “khi tiến hành cải tổ lại phạm sai lầm về nhiều mặt, làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng”, nguyên nhân thứ tư “Sự chống phá của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước”.

Với cách viết hàn lâm, súc tích, khó hiểu còn hơn đánh đố như vậy mà mong học sinh thích sử thì đó là một ảo vọng lên trời hái trăng vậy!

4. Sách lịch sử liệt kê những số liệu, những bảng này xuất hiện với mật độ dày đặc, uy hiếp tinh thần hiếu học của con trẻ. Nếu là người có tâm huyết, bạn đọc hãy thử đọc một bản trong đó (mong người đọc kiên nhẫn một lần trong đời), để thấm thía hành trình với con chữ của bọn trẻ con gian nan cỡ nào.
Đoạn này ở trang 23:

GDP tăng trưởng trung bình hàng năm trên 8%. Năm 200, GDP của … vượt qua ngưỡng 1000 tỉ USD, đạt 1080 tỉ USD. Cơ cấu tổng thu nhập trong nước theo khu vực kinh tế có sự thay đổi lớn, từ chỗ lấy nông nghiệp làm chủ yếu, đến năm 2000 thu nhập nông nghiệp chỉ chiếm 16%, trong khi đó thu nhập công nghiệp và xây dựng tăng lên tới 51%, dịch vụ 33%. Từ năm 1978 đến năm 1997, thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tăng từ 134 lên 20090 nhân dân tệ; ở thành thị, tăng từ 343 lên 5180 nhân dân tệ”.

(Bạn đọc chắc hiểu người viết bài này đã dãn thiếu hai chữ gì trong trích đoạn trên). Hãy tưởng tượng về những học sinh khắp mọi miền đất nước, gánh trên vai 12 môn học trong năm, sử chỉ là một trong 12 môn đó.

Có chỗ liệt kê chi li, có nơi thì viết “hờ hững” cho qua chuyện, không hề có một số liệu. Chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2 năm 1979 là một ví dụ. Sách giáo khoa dành ra 10 dòng (trang 207) để viết về cuộc chiến này. Bao nhiêu vạn người đã ngã xuống, Trung Quốc thiệt hại bao nhiêu, “sau này lớn lên các em sẽ biết”, đó là cách trả lời tốt nhất của giáo viên khi học trò muốn hỏi!

5. Đây chính xác là cuốn lịch sử lãnh đạo đất nước của Đảng CS, lịch sử của bên thắng cuộc.
Vì là bên thắng cuộc nên bên ta không hề hy sinh. Mấy triệu người ngã xuống qua mấy cuộc chiến, 10 ngàn liệt sĩ nằm trên Nghĩa trang Trường Sơn… có vẻ như là những người không tham dự vào lịch sử Việt Nam. Trang nào, dòng nào tôn vinh họ?

Lịch sử bên thắng cuộc nên có những dẫn chứng rất oai hùng. “Trong 4 tháng mùa khô năm 1966 trên toàn miền nam, quân dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 104 000 địch, trong đó có 42 000 quân Mĩ, 3 500 quân đồng minh, bắn rơi 1 430 máy bay”.

Cháu bé hàng xóm “ngu lâu” của tôi ơi, cháu có biết “quân và dân ta” gồm những ai không? Thế nào là “loại khỏi vòng chiến đấu”? “Địch” là ai?

Với thông tin trên, dùng phép trừ, cháu có biết trong 4 tháng, 50 ngàn quân địch bị đánh tan thì quân ta thiệt hại bao nhiêu người? Máu xương cao như núi ấy, là của những người cụ thể nào không? Là của ông ngoại con đó, một sĩ quan “địch” 26 tuổi chết ở Tuy An vì pháo của “quan mình”? Là các chú Hưng, chú Mười nhà bà Sáu mà con vẫn thường sang ăn dỗ? Chú Hưng phe ta còn chú Mười phe địch, cả hai đều là những tân binh 18, 20 tuổi như con bây giờ đó con ạ.

Bên thắng cuộc nên viết về địch luôn luôn đáng sợ. Trang 163 có thông tin “Luật 10/59 công khai chém giết, làm hàng vạn cán bộ, đảng viên bị giết hại, hàng chục vạn đồng bào yêu nước bị tù đày”.

Bên thắng cuộc nên viết về bên mình luôn luôn hừng hực khí thế giết thù. Trang 175 của sách giáo khoa có dòng: Vạn Tường mở đầu cao trào “Tìm Mĩ mà đánh, lùng ngụy mà diệt” trên khắp miền Nam.

Chúng tôi thuở nhỏ (trẻ con bên thắng cuộc) ra rả học, 40 năm sau đem y nguyên bài đó ra dạy cho con trẻ (của cả hai bên), không biết bộ GD nghĩ sao?

6. Một cuốn sách giáo khoa không dày, nhưng sức nặng của nó thật kinh người. Càng đọc, càng thương những người thầy làm nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý”, lũ trẻ con “mỗi ngày đến lớp là một ngày vui”!
Muốn tải hết chương trình, trừ những nhân tài, chỉ còn cách chọn giải pháp:

+Gian dối, quay cóp.

+Trò è cổ học vẹt, thầy dạy theo phương pháp nhồi cám của mấy bà bán vịt ngoài chợ trời.

7. Các chuyên gia viết sách, không biết đáng thương hay đáng trách? Lời của Trần Trọng Kim gần 100 năm trước như sự tiên tri. “Nhà làm sử lại là người làm quan, vua sai coi việc chép sử, cho nên dẫu thế nào sự chép sử cũng không được tự do, thường có ý thiên vị nhà vua…Bởi vậy xem sử ta thật là tẻ, mà thường không có ích lợi cho sự học vấn là mấy” .

100 năm sau, nền sử học nước Nam này xem ra chưa lớn lên được phân nào cả, chính xác là lùn thêm. Những trang sử của Trần Trọng Kim, nhiều trang đọc mãi không chán.


[1] http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/176712/ca-nuoc-gan-12–hoc-sinh-chon-su-thi-tot-nghiep.html .

[2] http://kenhtuyensinh.vn/ha-noi-duoi-10-hoc-sinh-dang-ky-thi-tot-nghiep-mon-su .

[3] http://laodong.com.vn/xa-hoi/0-thi-sinh-thi-dang-ki-thi-mon-su-tai-nhieu-hoi-dong-thi-205256.bld.

[4] Việt Nam Lược sử, Trần Trọng Kim, NXB Văn hóa Thông tin, 1999.

7 thoughts on “Lịch sử 12: Thương tình con trẻ thơ ngây

  1. Dù sao thì cũng còn những người trăn trở như Hoa Lư Tiên Sinh, âu cũng là cái phúc của dân Việt vậy!

    *
    * *

    Chuyện có thật kể hầu Tiên Sinh.

    Cô em dâu của tôi, gốc Bắc Kỳ hẳn hoi. Cha mẹ cổ di cư vào Nam sau 1975. Qua đây du học gặp em trai tôi.

    Hai vợ chồng cổ về bển chơi. Gặp anh của mẹ cổ, ông hỏi em trai tôi bên này mua được bộ Việt Nam Sử Lược của Cụ Lệ Thần, in lại ở Miền Nam trước 1975 không, vì sách này, bản in ở Việt Nam, ông đọc ông muốn ói — ông là Bắc Kỳ sống ở Bắc xuyên suốt gia đoạn “Chống Mỹ Cho Nga-Tàu”!

    *
    * *

    *
    * *

    Chúc Tiên Sinh cùng gia đình nhiều sức khỏe, vạn sự bình an.

    Kính phím.

    • Tôi đang sửa bài, bác đã đọc xong rồi, cảm tạ.
      Viết cả buổi chiều, nhức buốt!
      CÁM ƠN CÁI VIDEO CỦA BÁC. Thật xấu hổ với các cháu, ngay ở thì hiện tại chứ chưa nói đến hậu thế!

      • Hình như có ai nói… “đọc một quyển sách hay, như được trò chuyện với một nhà thông thái”… cám ơn Tiên Sinh.

  2. “Bác này quá cả nghĩ. Mớ kiến thức đó bọn trẻ có thèm học đâu. Đến ngày thi học vẹt. Thi xong bao nhiêu chữ trả về cho hư vô hết.
    Mọi người đều vui!”
    Cám ơn bài này, ít ra cũng có được sự đồng cảm và cho biết câu trên là nói vui (chứ không phải là một phát biểu).
    aaa xin được trích dịch Marguerite Yourcenar nói về chuyện dạy sử :
    “Cần dạy cho học trò rằng con người giết hại lẫn nhau trong các cuộc chiến tranh rồi các cuộc chiến này lại tạo ra cuộc chiến khác và rằng mỗi quốc gia cố gắng viết sử cho mình, có cả tô vẽ và dối trá, để mơn trớn niềm kiêu hãnh dân tộc. Cần dạy cho người trẻ lịch sử đủ để họ hiểu được sự nối kết với cha ông, để thán phục cha ông đúng như họ xứng đáng chứ không nhào nặn nên những thần tượng. ”

    Yourcenar nói đến tính chất của một loại “khách quan lịch sử” mà giới trẻ cần được biết, và họ đáng được biết. Để rồi chính họ sẽ có suy nghĩ của riêng mình về lịch sử.

    Nói về việc tô vẽ, các thần tượng được vẽ ra, ngồi đó và sụp đỗ : cỡ lớn như LENIN, MAO,… rồi đến HCM, KIM, CASTRO … , mà kỳ thực, không thấy Washington, Charles de Gaulle, hay Gandhi… lên tầm THẦN, có lẽ họ chưa đủ tài giỏi !

    Trở lại việc dạy sử xứ ta, có nên bảo việc dạy sử có vấn đề? Hay là nền giáo dục có vấn đề? Hay là ở gốc rễ của hệ thống có vấn đề? Vậy ao ước có bộ sách giáo khoa thật hay, thậy chính xác, có đội ngũ giáo viên yêu nghề, thông hiểu sử sách …, có phải là viễn vông? Và nếu có được thì liệu có thay đổi được gì không? Hay cũng chỉ đào tạo được những thanh niên chỉ biết nói theo, không dám nói thật và chính họ lại tạo ra một thế hệ nối tiếp giống họ.
    Nếu nhân loại được ví như một cơ thể người, thì trong cái tính người đó tồn tại một mặt tuyệt vời và một mặt tồi tệ. Ai đã chọn cho một nhóm nhỏ nhân loại này, trong đó có bạn có tôi, con đường phải thể hiện phần tối, phần không thực ? Nếu ta nói thực thì đương nhiên ta không còn ở trong nhóm nữa (bao nhiêu tấm gương nói thực bị hành xử ra sao bạn và tôi đã biết!).

    • Cái trích dịch của bác rất thú vị.
      Cụ Trần Trọng Kim viết về Trần Thủ Độ thật tuyệt. Đó là một gian thần, đại ác và đại dũng. Vậy nên đọc rất sinh động, sử hiện đại bây giờ không bao giờ đạt được. vì là sử của các nhà tuyên giáo mà!

  3. Dưới sự lãnh đạo (…), nền học thuật đã tạo ra những sản phẩn dị dạng, quái gở, trong đó ngành Lịch sử thực sự là một quái thai.

    Kể ra cái kho tàng tri thức của dân tộc ta tích lũy được cho đến nay so với thiên hạ cũng chẳng có gì to tát để tự hào, chủ yếu là nghe lỏm, bắt chước, tóm lại là khôn vặt, láu cá và từ khi ngọn cờ búa liềm dương lên thì cái sự học lại mang thêm tính lừa đảo và đểu cáng.
    Thế hệ chúng ta và con cháu đi dưới bóng của nền học thuật đó đều bị ảnh hưởng. Với người lớn, tỉnh ngộ ra thì bất mãn, uất ức; kẻ cơ hội thì không bất mãn mà nhân đó càng hoàn thiện cái chất đểu cáng, lừa đảo để tiến sâu, tiến xa và cầm cờ lãnh đạo. Sau khi lớp lớn nhận ra thứ thuốc đang bắt dân uống không phải là thuốc bổ bách chiến bách thắng như quảng cáo mà là thuốc độc, “con trẻ thơ ngây” thì đã nén nó trắng sân trường khi nghe tin không phải thi viết bài ca ngợi toa thuốc muôn năm quang vinh này. Ta “thương lòng con trẻ” nhưng phải phục chúng và cũng có phần đáng mừng cho tương lai nước nhà.

    “Các chuyên gia viết sách, không biết đáng thương hay đáng trách” vấn đề Hoa Lư đặt ra lớn và rất thú vị, sẽ bàn thêm vào dịp khác.

    Sau này sử ta sẽ chép rằng “năm 2014, Trung Quốc đem giàn khoan đến đóng cọc ở vùng biển Hoàng sa của Việt nam từ đầu tháng 5, dự kiến đến giữa tháng 8 kéo về tránh bão rồi trở lại sau, (…) VN đã đáp trả đầy sáng tạo bằng cách thả cho dân tha hồ chửi để Trung cộng nó chết, hoặc ít ra cũng phải bực mình mà rút giàn khoan về nước, nhưng hóa ra gặp phải 2 kẻ lừa đảo và đểu cáng đóng kịch, chúng đều cúp máy không nghe mà viết giấy gọi nhau về tỉnh Quảng Đông bàn “16 việc cần làm” để đối phó với những kẻ chửi bới”.

    Không biết sử có viết vậy không chứ việc ấy là có thực!

    • Bác mang lửa vào cả comment! Khiếp quá!
      Có thể nói: chúng ta có nền SỬ HỌC TUYÊN HUẤN được chăng?
      Xem cái đoạn viết về các nước tư bản ấy, cứ gọi là rối như canh hẹ! Khen quá cũng không dược. Vậy là thể nào cũng: mâu thuẫn sâu sắc… giàu nghèo chênh lệch… nạn khủng bố…

Bình luận về bài viết này