Tà thuyết

543564848_a0ee94b4a21. Năm 1924, trong lễ kỷ niệm Nguyễn Du, trên tạp chí Nam Phong, Phạm Quỳnh đã ca tụng Truyện Kiều một cách quá nồng nhiệt. Cụ Phạm thao thao bất tuyệt: “Văn chương người ta thiên kinh vạn quyển, dẫu có thiếu mất một quyển cũng chẳng hại gì, văn chương mình chỉ độc một quyển, vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư, Phúc âm của cả dân tộc, ví lại khuyết nốt thì dân tộc ấy đến thế nào?”. Cái lòng yêu Truyện Kiều của cụ Phạm thật nồng nàn đắm đuối: “Than ôi, mỗi lần nghĩ tới mà không khỏi rùng mình, chột dạ, sửng sốt, rụng rời như hòn ngọc trên tay bỗng chốc rơi xuống vỡ tan tành vậy”. Khi người ta quá đắm say, tâm trí thường biến đổi rất lạ, buồn đó, vui đó: “Rồi mới tỉnh ra, sực nhớ đến mấy câu Kiều, vỗ bàn đập ghế, gõ nhịp rung đùi, lên giọng cao ngâm:

                                          Lơ thơ tơ liễu buông mành

                                    Con oanh học nói trên cành mỉa mai

Hay là:

                                     Phong trần mài một lưỡi gươm

                                    Những phường giá áo túi cơm sá gì!

bỗng thấy trong lòng vui vẻ, trong dạ vững vàng, muốn nhảy muốn múa, muốn reo muốn hò, muốn ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ”.

Vài tuần sau buổi diễn thuyết của cụ Phạm Quỳnh, tờ Hữu Thanh tạp chí đăng một bài viết nảy lửa của cụ  Ngô Đức Kế. Lời cụ thống thiết như lời một bài hịch:

“Vận nước thịnh hay suy, quan hệ tại đâu? Tại nhân tâm thế đạo.

Nhân tâm thế đạo tốt hay xấu, cỗi gốc tại đâu? –Tại học thuyết tà hay chính.

Rộng xét năm châu, trãi xem lịch sử, dọc ngang mấy vạn dặm, trên dưới mấy ngàn năm, từ đông đến tây, từ xưa đến nay, hễ nước nào khi vận nước cường tất là khi ấy trong nước chính đạo sáng rệt, khi nào vận nước suy đốn, tất là khi ấy trong nước tà thuyết lưu hành; chính học sáng rệt thì thế đạo nhân tâm phải tốt, mà vận nước cũng theo chính học nổi lên, tà thuyết lưu hành thì nhân tâm thế đạo phải hư mà vận nước cũng theo tà thuyết mà đắm mất”.

Cụ Ngô Đức Kế vừa chịu án khổ sai 13 năm Côn Đảo ra, nhìn nước Nam đầy những cảnh nhố nhăng “Âu học chưa vin được ngọn ngành mà Hán học đã đứt cả cội rễ”. Vận nước suy vi, dân tình khốn khổ, cụ giận dữ những kẻ ngồi ngâm nga và truyền bá “thứ văn chương ngâm vịnh chơi bời”, đó là một thứ tà thuyết vậy.  Đọc những lời gần trăm năm trước, thấy được cái lòng như ngồi trên đống lửa của cụ: “Cái tính loài người, theo điều phải thì khó khăn như trèo ngược núi, theo điều xằng bậy thì dẫ dàng như nước chảy xuôi. Vận nước đã suy thì trăm ngàn người phò trì chính học mà không đủ, một người xướng lên tà thuyết mà hãm hại nhân tâm thế đạo có thừa; gớm ghê thay, tà thuyết làm say đắm lòng người không biết đến đâu mà nói! Một người xướng, mười người họa, cho đến trăm ngàn người họa, lần lần phong hành cả nước; lấy trái làm phải, lấy xấu làm đẹp, lấy thối làm thơm, mà thế đạo nhân tâm hiện ra một tấn xú kịch: nước không thành nước, người không thành người…”.

2. Trường đại học bách khoa Hà nội là một trong vài trường đỉnh cao của nền giáo dục đại học Việt nam. Sinh viên đại học bách khoa đi ra đường, dưới con mắt của sinh viên các trường bạn, họ như tỏa ánh hào quang. Không nói vống lên đâu, họ thực sự là tinh hoa của đất Việt ngàn năm văn hiến này. Bằng đỏ các trường khác chạy nhông nhông xin việc, bằng trung bình ở bách khoa ra, các doanh nghiệp săn đón như săn người đẹp!

Một ngày đẹp trời, trường hân hạnh đón tiến một khách VIP, ngài là giáo sư tiến sĩ khoa học, giữ nhiều trọng trách quan trọng trong bộ Giáo dục.

Sinh viên nhà trường, lứa tuổi sục sôi nhiệt huyết; khát vọng được cống hiến cho đất nước, được xả thân cho khoa học, được sánh vai cùng bè bạn năm châu háo hức chờ ông tấn sĩ. Ông tấn sĩ đến và có một bài phát biểu trác tuyệt.

a100831184657-141-28

3. Sau đây là toàn văn bài phát biểu đó, có tên gọi: làm sao để có được bức ảnh để đời.

Tôi nói với anh, chụp ảnh là chụp cho ảnh một bức ảnh để đời với Bill Gates. Anh ấy nói với tôi muốn chụp ảnh đẹp phải nắm tay lâu lâu vào. Chứ nếu nắm vào bỏ ra ngay thì có khi há mồm cũng chưa xong. Làm sao anh nắm cho được 15 giây, cứ ba giây một ảnh, 15 giây 5 cái ảnh, thế nào cũng có ảnh đẹp. 

Nhưng bây giờ nói gì với ông Bill Gates để ông không nắm rồi bỏ tay ra ngay. Tôi mới nhẩm, nếu ta nói rằng Bill Gates: “Richest man in the world) (người giàu nhất hành tinh), anh không bao giờ thích. 

Nhưng bây giờ, nói rằng “main architecture of Micrsoft company” (bộ óc, tổng kiến trúc sư của Microsoft”, ông rất thích…Nói chậm thôi để được 15 giây. But today, I’m very happy to see you, to talk to you, to shake your hand, to see you…  (Tạm dịch: Nhưng hôm nay, tôi rất vui được gặp ông, nói chuyện với ông, bắt tay ông, nhìn ông…)

Khoảng mười giây rồi, còn 5 giây nữa. As I know, you canceled your study at Harvard at second year. But today you became the main architecture of Microsoft company, very happy. Mr.Bill Gates.  (Tạm dịch: Như tôi biết, ông đã bỏ học từ năm thứ hai ở ĐH Harvard. Nhưng hôm nay, ông đã trở thành kiến trúc sư chính của Microsoft. Tôi rất vui, thưa ngài Bill Gates).

Ông cười rất tươi, vì không mấy ông lại nói và nói dí dỏm như  vậy. Và ông ấy nói như thế này, Thank you very much. Next year, I come to VieNam, I visit you again. (Tạm dịch: Cảm ơn rất nhiều. Năm sau tôi tới Việt Nam. Tôi sẽ lại thăm ông)

Và năm sau, năm 2006, tôi là trưởng ban tổ chức, tổ chức cho mấy ngàn sinh viên nghe Bill Gates nói chuyện ở ĐH Bách khoa Hà Nội, ông ấy rất khen sinh viên Việt Nam.

…Tôi hơi lạm dụng, thế là đi nhiều rồi. Có bắt tay Putin, bắt tay ông Bush. Mỗi ông lại phải nhẩm trước một câu gì đấy để có tất cả ảnh đẹp hết.

4. Cái chuyên môn toán học của ông tấn sĩ xem ra có đất dụng võ khi ông dạy sinh viên làm nên lịch sử trong thời gian 15 giây! Bằng mấy câu nói sáo rỗng, ông hướng sinh viên đến những giá trị phù phiếm nhất thời, ông khoe khoang cái trò tiểu xảo khôn vặt, ông cao giọng dạy cho sinh viên thói xu nịnh ba hoa. Nghĩ mà “thương tình con trẻ thơ ngây” thụ hưởng sự giáo dục tà thuyết đến vậy.

Ông tấn sĩ là Tổng thư kí Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước. Ôi! Than ôi! Khi những ông tấn sĩ này còn giữ trọng trách trong ngành Giáo dục của nước Nam này, thì cái sự nghiệp cao cả, cái quốc sách Giáo dục của nước nhà sẽ đi về đâu, dù không nói ra nhưng đến một đứa trẻ ranh cũng còn biết vậy!

 

8 thoughts on “Tà thuyết

  1. Chào Trang Chủ : Có một câu phê bình Truyện Kiều mà tôi đọc được cách đây 50 năm ” Trai gái trèo tường trổ ngõ xé hàng rào…” (Có ý chê) mà tôi không nhớ hết – Tôi quên mất là ai đã viết.

    • Đó cũng là một câu trong bài của cụ Ngô Đức Kế. 50 năm rồi bác vẫn còn nhớ, mới biết cái sức thuyết phục của cụ mạnh mẽ thế nào.
      Cụ viết : “một đôi thanh niên nam nữ, đêm thanh vắng trèo tường trổ ngõ, ước hội chuyện trò với nhau, đối với phong hóa đạo đức là việc bất chính, mở đầu cuốn sách như thế, dù sau có tô vẽ hiếu nghĩa đến đâu cũng không đủ làm gương tốt cho đời”. Cụ giận cá chém thớt đấy.
      Cụ Ngô nếu sinh thời nay, số phận sẽ ra sao???

      • Rất cám ơn Anh đã cho biết- Càng già càng lú, hơn nữa mấy mươi năm kiếm ăn mọi chuyện đều quên! Ăn quá hóa ngu thật – Cụ Ngô đức kế – Do hồi còn đi học khi bình phẩm Truyện Kiều (Lớp Đệ Tứ) cả Thầy trò cái nhau về câu nói ấy rất hăng cho nên tôi còn nhớ mang máng-
        Kính cám ơn và chúc sức khỏe -( Hồi “xưa” tôi cũng thích văn chương và hay cãi “cối chày”- Giờ thì lùi vào dĩ vãng!!)

  2. Pingback: ***TIN NGÀY 27/10/2013 -Chủ Nhật « ttxcc6

  3. Pingback: Chủ Nhật, 27-10-2013 – Khẩu khí chốn quan trường và dự đoán cảnh khốn cùng của người dân sắp đến | Dahanhkhach's Blog

  4. Tùy hoàn cảnh Anh à – Bụng đói làm sao đọc!!! -Sau 75 mất mấy năm đi “học” để thông hiểu cái tội bán nước bóc lột Nhân Dân- Về 2 bàn tay trắng với 2 bộ đồ trận để dành , sống tới hôm nay là nhờ ơn Trời Đất- Mệt mỏi lắm rồi !!!- Nhưng vẫn thích “vát tù và hàng tổng”- Cám ơn.-Kính.

  5. Kính chào Bác Nguyễn ,
    Cụ Ngô đức Kế thuộc phái cựu học. Trong buổi giao
    thời giữa 2 nền học vấn Đông – Tây hồi đầu thế kỷ 20,
    lúc ”Cái học nhà Nho đã hỏng rồi, mười người đi học
    chín người thôi ”… như cụ Tú Vị Xuyên trào lộng,và nền
    Tây học cũng chưa thật vững ở buổi đầu trên xứ ta,ngọn
    gió lãng mạn ái tình tự do mơn trớn tâm hồn thanh niên
    ắt đã gây cảm giác mới lạ thú vị lắm.”Tố Tâm” của Song
    An cũng ra đời quãng thời gian ấy.Nguyễn Vỹ, Phan Khôi
    cũng ra thơ mới…v.v…trong lúc các cụ Nho sĩ hãy còn sờ
    sờ đâu đã ra thiên cổ?
    Vậy nên, xung đột Đông – Tây , Tân – Cựu ,là không tránh
    khỏi.
    Cụ Ngô, buồn bực thấy phong hóa xưa thoái trào,nên gay
    gắt. Các cụ còn liệt ”Kiều” vào loại dâm thư :
    – Đàn ông chớ kể Phan – Trần,
    Đàn bà chớ kể Thúy Vân – Thúy Kiều !
    Nhưng xu thế thời đại không thể đi ngược, nên phái Tân học
    ủng hộ ”Kiều”, ngày càng làm chủ văn đàn.

Bình luận về bài viết này